Dịch vụ Kinh nghiệm nuôi vịt đẻ

Mô hình nuôi vịt đẻ do Trạm Khuyến nông Nam Sách, Hải Dương đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ.

Qua quá trình theo dõi, giám sát và chỉ đạo mô hình, chúng tôi đưa ra một số lưu ý về kĩ thuật để người nuôi tham khảo.
+ Về chuồng nuôi:
Dù nuôi vịt đẻ theo hình thức nuôi nhốt, hay chăn thả, cũng cần chuẩn bị chuồng nuôi vịt chắc chắn và cao ráo, bên trong chuồng ấm áp và thoáng. Có ao cho vịt bơi lội, có cống ra vào nước trong ao nuôi. Trước khi nhập vịt về nuôi cần khử trùng chuồng nuôi bằng cách rải vôi bột xung quanh chân tường chuồng nuôi, dùng thuốc sát trùng chuồng nuôi (như Iod sát trùng…). Để trống chuồng nuôi trước khi nhập con giống về…
+ Về con giống:
Mua con giống tại các cơ sở uy tín như Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện chăn nuôi; Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam… Người nuôi sẽ có giá cả hợp lý và con giống bảo đảm chất lượng, đúng mục đích nuôi.
+ Về thức ăn, nước uống:
Thức ăn cho vịt đẻ có hai dạng phổ biến, tùy theo điều kiện kinh tế và tính toán giá cả thị trường mà người nuôi có đầu tư phù hợp. Thứ nhất, cho vịt đẻ ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp: Dùng thức ăn viên có chi phí thức ăn tương đối cao, nhưng bù lại là sự thuận tiện, dễ sử dụng, chủ động về số lượng, theo dõi mức ăn hằng ngày dễ dàng...
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thức ăn theo từng giai đoạn phát triển của vịt. Thứ hai, cho vịt đẻ ăn theo hướng bán công nghiệp: Dùng thức ăn viên hỗn hợp pha cùng thức ăn tự nhiên như thóc luộc, rau xanh, bèo, ốc, cá... Không nên thay hoàn toàn thức ăn cám viên vì thức ăn tự nhiên không đảm bảo dinh dưỡng cho vịt đẻ.

Hình minh họa


Có thể tham khảo pha theo công thức 70% cám viên + 30% thức ăn tự nhiên (ví dụ nuôi 100 con vịt đẻ tốn 20 kg thức ăn/ngày, thì có 14 kg cám viên (70%) + 6 kg thóc luộc hay ốc, cá…(30%); rau xanh ăn tự do khoảng 5 - 10 kg/ngày. Nếu là ốc bươu vàng thì đập vỏ trước khi cho vịt ăn).
Phải khống chế mức ăn hàng ngày vịt hậu bị cho đến khi vịt đẻ 30 - 50% mới cho ăn tự do để đảm bảo độ đồng đều của đàn vịt không quá gầy hay quá béo.
+ Thu và bảo quản trứng:
Vịt đẻ tập trung vào 2 - 4 giờ sáng, nhưng có thể đẻ muộn đến 8 - 9 giờ sáng. Nên nhặt trứng làm 2 - 3 lần để trứng được sạch sẽ và tránh dập vỡ. Trứng đựng vào khay để nơi khô mát và tùy theo mục đích sử dụng trứng mà có cách bảo quản khác nhau.
+ Vệ sinh, thú y:
Người nuôi cần đảm bảo thức ăn không bị hết hạn và ôi thiu, dùng cám đúng chủng loại dành cho vịt đẻ, vệ sinh máng ăn uống hàng ngày và chuồng nuôi định kỳ hàng tuần, tháng. Tiêm phòng: Pha vắc-xin với nước sinh lý và chích dưới da cổ hay bắp đùi.
Tiêm phòng cho vịt 2 bệnh là Dịch tả vịt khi vịt được 15 ngày và Viêm gan vịt khi vịt được 21 ngày tuổi; Tiêm phòng Dịch tả vịt khi vịt được 45 ngày và Viêm gan khi vịt được 60 ngày; Tiêm phòng bệnh cúm H5N1 vào ngày thứ 70 và nhắc lại khi vịt đẻ được 100 ngày tuổi.
Nước uống hàng ngày cần bổ sung thêm chất điện giải, B-complex và kháng sinh (Amoxycilin, Colistin, Gentamycinlin và Tolysin) nhằm tăng sức đề kháng phòng bệnh đường ruột, hô hấp cho vịt.
* Lưu ý: Khi vịt đẻ người nuôi không nên sử dụng kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng trứng.


Tác giả bài viết: MPV
Nguồn tin: Bản tin chăn nuôi